Một chuyến đi Xuyên Việt bằng xe Nissan BlueBird SSS

(Lưu ý: Click vào ảnh để xem hình gốc, lớn hơn)

Ngày thứ nhất
:
Lần đầu tiên sử dụng chiếc Nissan BlueBird SSS cho một chuyến đi xa, tôi cũng không tránh khỏi hồi hộp bởi thực sự chưa biết chiếc xe có qua được thử thách trên một tuyến đường dài hơn 3.000 km hay không.

Khi đổ đầy bình tại một cây xăng trên đường Hoàng Quốc Việt, tôi bấm đồng hộ lộ trình về số "000 km" và ghi lại số xăng đã đổ là 56,3 lít:


Tôi rời khỏi cây xăng lúc 10h15, theo đường Phạm Hùng-Nguyễn Trãi đi về hướng Hà Đông và rẽ trái từ Ba La theo QL 21B qua Vân Đình-Tế Tiêu để đến Chợ Bến, bắt đầu chuyến Xuyên Việt bằng đường Hồ Chí Minh.

Tôi chọn đi bằng đường Hồ Chí Minh bởi QL 1 chật hẹp, lúc nào cũng nườm nượp xe cộ, lo tránh xe vượt xe là hết cả hứng thú ngắm nghía dọc đường. Trong khi đó, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn 1, mặt đường rộng rãi (23 mét), trải nhựa phẳng phiu, xe cộ rất thoáng nên tha hồ chạy.

Chợ Bến là một địa danh thuộc huyện Kim Bôi của tỉnh Hòa Bình:


Ghi nhận đầu tiên là chiếc xe được chống ồn khá tốt, không bị tiếng dội từ dưới gầm như các dòng xe Hàn Quốc hay một số loại xe lắp ráp trong nước mà tôi đã từng được cầm lái. Tay lái nhẹ nhàng, có gật gù nên có thể hạ thấp để rộng tầm nhìn ngắm phong cảnh. Gương kính chỉnh điện, ngồi một chỗ căn chỉnh dễ dàng. Điều hòa khá tốt, độ lạnh sâu.

Rời cột mốc ghi “Chợ Bến - 0 Km” lúc 11 giờ 50, chỉ 45 phút trên đường Hồ Chí Minh, tôi đã đi được hơn 50 km đến cột mốc “Cúc Phương - 0 Km”, từ đây chỉ thêm 300 mét là đã vào đến địa phận tỉnh Thanh Hóa:


Tôi giữ tốc độ trung bình khoảng 70- 80 km/giờ. Ở những đoạn tầm nhìn tốt, đường thẳng, xe vắng, tốc độ dễ dàng lên tới 100- 110 km/giờ:


Chiếc xe cho cảm giác lái rất đầm tay và tin cậy. Các xe Hàn Quốc đời cao, thậm chí sản xuất năm 2004-2005, cũng chưa chắc đã bằng. Khả năng tăng tốc (và cả cảm giác khi thực hiện động tác tăng tốc) rất tuyệt. Tiếng nhạc trong xe nghe khá trung thực và ấm nhờ có chiếc loa siêu trầm.
Càng đi tôi càng cảm thấy yên tâm hơn. Dần dần tôi không còn cảm giác hồi hộp lo lắng gì về chiếc xe nữa, mà bắt đầu chuyển sang trạng thái...tận hưởng chuyến đi.

Tôi đặt bình trà và các loại bánh trái ngay trong tầm tay, vừa đi vừa thưởng thức phong cảnh và nhấm nháp nước trà nóng:




Vì không dừng ăn trưa dọc đường mà vừa chạy vừa ăn nhẹ bằng các loại snacks để sẵn trong tầm tay nên tôi đi khá nhanh.

15 giờ 05, tôi vượt 307 km đến thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An), nơi có cột Km0 của đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm tháng chiến tranh:



Năm nay là kỷ niệm tròn 50 năm ngày ra đời của con đường chiến lược này nên dọc đường treo rất nhiều băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động tuyên truyền cho sự kiện:


16 giờ 25: tại km thứ 398 km là ngã tư thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh), điểm giao cắt với QL 8 dẫn đến cửa khẩu Cầu Treo sang Lào. Ở đây cũng có khu di tích tưởng niệm Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Có một bức tượng đá tạc nhà danh y đứng trên sườn núi cao nhìn ra sông Ngàn Phố.

17 giờ 10: 450 km - thị trấn Hương Khê, nơi xưa kia nghĩa quân Phan Đình Phùng vùng lên khởi nghĩa. Qua khu vực này, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh bỗng có dải phân cách giữa đường và các cột đèn cao áp, trong khi hai bên đường là các vạt rừng:


18 giờ: Tròn 500 km - Ngã ba Khe Ve. Từ đây rẽ phải đi 70 km nữa là đến cửa khẩu Cha Lo:


19 giờ 15: Tôi đến khu du lịch Phong Nha (Quảng Bình) và quyết định ngủ lại tại đây. Tôi rẽ phải vào khoảng 1 km, tìm một nhà trọ gần bến thuyền du lịch Xuân Sơn. Một căn phòng khá rộng rãi, đủ tiện nghi: máy lạnh TV, tắm nóng, thậm chí có cả bồn tắm, giá chỉ có 120.000 đồng/đêm. Tôi cất đồ, đi bộ ra một nhà hàng gần đó ăn tối hết 35.000 đồng, rồi quay về phòng ghi lại những trải nghiệm của một ngày.

Tổng cộng lại, trong ngày đầu tiên đã vượt qua 580 km trong 9 tiếng đồng hồ (kể cả những lúc dừng nghỉ, chụp ảnh), tốc độ trung bình đạt gần 65 km/giờ.

Toàn cảnh khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (chụp vào buổi sáng ngày thứ hai):


Ngày thứ hai:
Tôi xuất phát lúc 7 giờ 45 phút sáng . Những địa danh quen thuộc lần lượt hiện lên trên những tấm bảng chỉ đường:
8 giờ 30- Đồng Hới, rẽ trái 4 km;
9 giờ: Suối nước nóng Bang, rẽ phải 12 km;
9 giờ 25: Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, rẽ trái 400 mét v.v…

Sau 2 tiếng chạy xe, tôi đến ngã ba Cam Lộ (Quảng Trị), nơi đường HCM gặp QL số 9. Từ đây rẽ trái 12 km sẽ tới Đông Hà, thủ phủ tỉnh Quảng Trị. Tôi rẽ phải đi về phía cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Đoạn đường này có nhiều tấm biển ghi dấu xưa kia là điểm đường mòn Hồ Chí Minh vượt qua đường QL9:


Sau 37 km tính từ ngã ba Cam Lộ, tôi đến đầu cầu Đắk Rông lịch sử:


Từ cầu Đắk Rông đến những di tích lừng danh khác chỉ còn phải đi những đoạn đường rất ngắn:
13 km đến Khe Sanh,
16 km đến sân bay Tà Cơn,
24 km đến Làng Vây,
34 km đến Cửa khẩu sang Lào v.v…:


Tôi rẽ trái, qua cầu này để đi tiếp trên đường Hồ Chí Minh:


Từ đầu cầu Đắk Rông trở đi, phong cảnh càng lúc càng đẹp hơn. Đường Hồ Chí Minh chạy qua nhiều khu bảo tồn thiên nhiên như Đắk Rông, Phong Điền, Sông Thanh v.v...

Phong cảnh dọc đường:






Tôi chạy xe trên đường Hồ Chí Minh, ngắm nhìn phong cảnh rừng đại ngàn Trường Sơn, vượt qua các địa danh như A Lưới, A Tép, A Roàng, A Vương...:




Đây là khi xe vừa qua thị trấn Prao:


Đây là hình ảnh chiếc hầm xuyên núi trên đèo A Roàng:


Lúc 16h15, đồng hồ hành trình chỉ 1.005 km khi tôi đến ngã ba Thạnh Mỹ thuộc tỉnh Quảng Nam. Từ đây có lối rẽ xuống đồng bằng ("hạ cánh" tại Đà Nẵng).

Tôi rẽ phải, tiếp tục đi theo đường Trường Sơn hướng về phía Khâm Đức:


Dọc đường, có nhiều chỗ phong cảnh quá đẹp, tôi dừng lại mở cốp xe lấy bếp ga du lịch đun nước pha một ly cafe. Ngồi phệt xuống bãi cỏ ven đường mà nhấm nháp ly cafe nóng hổi và lắng nghe tiếng chim hót ve kêu, nhìn ngắm gió thổi mây bay và rừng Trường Sơn xanh ngút ngàn, thật là một cảm giác thư thái không thể tả nổi:


Đi trong cơn giông trên dãy Trường Sơn cũng là một trải nghiệm thật thú vị:


Lúc 19h15 đồng hồ hành trỉnh chỉ 1.180 km, tôi dừng lại thị trấn Plei Kần của tỉnh Kon Tum để nghỉ qua đêm. Từ thị trấn này nếu rẽ phải đi 14 km nữa là đến cửa khẩu Bờ Y - ngã ba biên giới giữa Việt Nam - Lào và Campuchia.

Tổng cộng ngày hôm nay tôi đi gần 12 tiếng với vô số lần dừng nghỉ, chụp ảnh và ngắm nhìn phong cảnh, vượt qua quãng đường tròn 600 km.

Lúc 10h15 sáng nay, tại thị trấn Krông Klang của huyện Đắk Rông, tôi dừng lại mua xăng khi đồng hồ hành trình báo đã đi tổng cộng 745 km. Số xăng đổ lại cho đầy bình là 54,5 lít. Như vậy, cứ 100 km đường trường xe tiêu thụ hết 7,3 lít. Quá tiết kiệm cho một chiếc xe có dung tích xi lanh 2000 cc ! Tôi vẫn cần phải theo dõi trong những lần đổ xăng tiếp theo để xác định chính xác mức tiêu thụ nhiên liệu của chiếc xe này.

Tôi đổ xăng ở Quảng Trị vì lo khi chạy vào đoạn đường hẻo lánh không có cây xăng. Tuy nhiên, kể cả nếu hết xăng dọc đường thì tại các "phố núi" và các điểm dân cư ven đường vẫn thường có những "cây xăng mini" như thế này:


Chiếc xe vẫn vận hành rất tốt trên đường đồi núi. Cả ngày hôm nay tôi đã qua không biết bao nhiêu đèo dốc, nhưng có lẽ đoạn có cảm giác lái thích nhất là khi qua đèo Pê Ke dài 8 km (thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Đường trải nhựa phẳng phiu, có rất nhiều đoạn cua uốn khúc mềm mại như một dải lụa. Xe chạy êm ro, vặn lái ôm cua vun vút, cảm giác như trong một đường đua F1.

Đoạn qua đèo A Roàng có một số điểm sụt trượt đang được thi công sửa chữa nên cũng có mấy đoạn đường xấu:


Nhưng “chú” Nissan vẫn vượt qua ngon lành. Đoạn xuống đèo A Vương gặp một “chú” Ranger hai cầu rất oai phong nhưng đã tự gây tai nạn sập một bánh trước. Dù sao thì đường Trường Sơn cũng không dành cho những tay lái amateur :-)


Ngày thứ ba:
Nếu đoạn từ Đắk Rông vào tới Ngọc Hồi đường HCM chủ yếu chạy ngoằn nghoèo trên các sườn núi thì từ đây trở đi lại chạy băng băng qua vùng bình nguyên. Nhiều đoạn đường thẳng tắp, ngút tầm mắt vẫn là bạt ngàn cao su, cà phê, hồ tiêu. Tây Nguyên đang là mùa khô, cây cối có phần hơi xác xơ và trời khá nóng. Tuy nhiên, máy lạnh hoạt động tốt nên ngồi trong xe vẫn rất thoải mái:


Rời khỏi thị trấn Plei Kần, 20 km sau tôi đã tới Đắk Tô, địa danh nổi tiếng với chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1972:


Từ Đắk Tô, đường HCM bắt đầu đi qua một loạt những đô thị khá sầm uất của vùng đất Tây Nguyên. Nhiều đoạn đường từ Đắk Tô đến Buôn Ma Thuột đang được mở rộng nên xe cộ lưu thông qua lại cũng hơi vất vả. Chắc năm sau toàn tuyến đường sẽ phẳng phiu, rộng rãi như những đoạn tôi đã đi qua mấy ngày vừa rồi:



Tuy vậy, nhìn chung là đường trên Tây Nguyên thẳng, tầm nhìn tốt, mặt đường phẳng phiu nên xe cộ ở vùng này phóng rất nhanh:


Trong khi có rất nhiều đường ngang, nhiều xe máy và nhiều máy cày, mà dân Tây Nguyên nổi tiếng phóng ẩu nên có vẻ như tai nạn xảy ra khá nhiều:


Tôi chộp được cảnh các chú công an đang đo hiện trường một vụ tai nạn:


Đó đây trên mặt đường có rất nhiều những hình vẽ bằng sơn xịt màu trắng. Đáng buồn thay, đó không phải là tác phẩm của các nghệ sỹ đường phố như có người lầm tưởng, mà là hình ghi lại hiện trường các vụ tai nạn giao thông:


Theo đồng hồ hành trình tôi đã bấm từ lúc ra khỏi nhà, lần lượt tôi đã qua các đô thị lớn ở Tây Nguyên:
TP Kon Tum ở km số 1.240,
TP Pleiku ở km 1.290,
TP Buôn Ma Thuột là km 1.470.

Buôn Ma Thuột là đích đến cuối cùng của chuyến đi lần này. Tôi đến nơi lúc 11h50 sáng, sau hai ngày rưỡi lái xe trên đường Trường Sơn. Tính ra, đi theo tuyến đường này xa hơn 100 km so với tuyến QL 1 Hà Nội - Bình Định rồi rẽ theo QL 19 qua An Khê - Pleiku - Buôn Ma Thuột.

Đồng hồ báo xăng trở về vạch thấp nhất ở km số 1.490. Như vậy, với 110,8 lít xăng, chiếc xe đã đi được 1500 km, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình cho đường trường với máy lạnh bật liên tục là 7,38 lít/100 km.

Ngày thứ tư :
Tôi làm các công việc ở TP Buôn Ma Thuột. Công việc nhiều nên tôi không kịp chụp hình ảnh TP này.

Ngày thứ năm:
Buổi sáng: Tôi làm việc ở Buôn Ma Thuột.
Chiều: Tôi lên đường trở về miền Bắc.
Sau 185 km từ TP Buôn Ma Thuột, tôi quay lại TP Pleiku của tỉnh Gia Lai và ngủ đêm tại đây.

Ngày thứ sáu
:
Tôi tham quan công viên Đồng Xanh, cách TP Pleiku khoảng 10 km về phía Đông:




Thực lòng thì tôi cũng không thấy có ấn tượng gì với công viên này. Đó là một dạng khu vui chơi với đủ thứ hổ lốn. Ở đó có có đền thờ vua Hùng và một ngôi chùa "nhái" theo chùa một cột:


Nhưng cũng có cả chuồng nuôi khỉ, nuôi hươu:


Từ Pleiku, tôi đi 50 km đến TP Kon Tum để thăm nhà thờ gỗ nổi tiếng được xây dựng bởi người Pháp từ năm 1913.

Nhà thờ vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp như không hề có khoảng thời gian gần 100 năm đã trôi qua:


Từ TP Kon Tum, tôi rời khỏi đường Hồ Chí Minh, rẽ phải theo QL 24 để "trèo" qua dãy Trường Sơn xuống đồng bằng.

Con đường chạy xuyên qua những buôn làng với những mái nhà rông cao vút bên đường:


QL 24 dẫn tôi đến Măng Đen - một địa danh du lịch mới nổi lên gần đây, được người dân địa phương kỳ vọng sẽ trở thành một "Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên":


Thị trấn nhỏ Măng Đen nằm trên đường giữa hai đèo có tên là Măng Đen và Vi-ô-lắc, lọt giữa rừng thông, khí hậu khá mát mẻ và phong cảnh rất thanh bình:


Nhưng công bằng mà nói, kỳ vọng biến nơi đây thành một vùng nghỉ mát tấp nập du khách chắc là khó mà đạt được. Măng Đen cách Kon Tum 50 km và cách TP Quảng Ngãi 70 km. Đó đều là những đô thị nhỏ, khó có thể cung cấp được một lượng khách du lịch thường xuyên cho Măng Đen.

Xuống hết đèo Vi-ô-lắc, những ruộng lúa vàng hiện ra, gợi nhớ đến phong cảnh vùng Tây Bắc:


Bên đường là một dòng sông nhỏ rất đẹp, tôi không biết tên:


QL 24 gặp QL 1 tại thị trấn Thạch Trụ của tỉnh Quảng Ngãi. Từ đây tôi rẽ trái đi qua Quảng Ngãi và Quảng Nam để đến ngủ lại Đà Nẵng.

Tôi rời TP Pleiku khi đồng hồ hành trình chỉ 1.815 km và đến Đà Nẵng lúc 20h30, khi con số dừng lại ở 2.230 km. Hôm nay tôi đã chạy 415 km và dừng tham quan rất nhiều điểm trên đường.

Đây là cảnh đường phố Đà Nẵng ban đêm:


Ngày thứ bảy:
Trời mưa rả rích từ sáng nên ảnh chụp bãi biển Đà Nẵng và đèo Hải Vân không được sáng sủa lắm:




Nhưng toàn cảnh bãi biển Lăng Cô nhìn từ trên cao cũng không đến nỗi nào:


Xuống hết đèo Hải Vân, tôi dừng ăn sáng tại một quán bên bờ đầm Lập An.

Tô cháo hải sản được cho thêm "gia vị" là phong cảnh biển và núi non nên thật ngon:


Tôi chạy xuyên qua thành phố Huế. Đây là tấm ảnh chụp vội từ sau tay lái:


Và đây là khu di tích lịch sử bên bờ sông Hiền Lương của tỉnh Quảng Trị.


Từ TP Đồng Hới của tỉnh Quảng Bỉnh, tôi lại rời QL 1 để quay lại đường Hồ Chí Minh. Lúc đi, tôi qua đèo Đá Đẽo (Quảng Bình) lúc trời đã tối nên lúc về tôi dừng khá nhiều lần để chụp ảnh.

Phong cảnh trên đèo Đá Đẽo:


Tôi ngủ đêm tại thị trấn Phố Châu (Hà Tĩnh), khi đồng hồ báo 2.755 km.

Chiếc xe vẫn chạy rất tốt và tôi hoàn toàn không còn lo lắng gì. Chỉ còn tận hưởng phong cảnh từ sau tay lái và dừng lại bất cứ chỗ nào mình muốn.

Ngày thứ tám:
Tôi rẽ trái tại thị trấn huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) để thăm Suối cá thần Lương Ngọc (xã Cẩm Lương). Đường vào Suối Cá phải qua một cây cầu treo nhỏ rất ấn tượng bắc qua sông Mã:


Suối dày đặc cá bởi không ai dám xâm phạm chúng. Theo truyền thuyết, bất cứ ai ăn cá "thần" hoặc thậm chí chỉ làm đau cá, cũng sẽ bị tai nạn. Chưa ai dám liều mạng thử chống lại các truyền thuyết nên cá dưới suối sống hết sức ung dung:



Khu du lịch này nằm trong vùng nhiều người Mường sinh sống nên có rất nhiều món đặc sản núi rừng được bày bán, từ măng, rau dớn đến khoai lang, củ mài...

Đây là món rau dớn xào thịt bò cho bữa trưa. Rất ngon !


Đường về trong mưa khiến rừng núi càng thêm vẻ kỳ bí và quyến rũ. Mây lững lờ trên đầu những trái núi thật đẹp:


Tôi dừng lại liên tục để chụp ảnh:


Và đây là hình ảnh chiếc Nissan trên nền phong cảnh khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương:


Qua 8 ngày rong ruổi trên đường, chiếc xe đã đưa tôi vượt qua 3.220 km an toàn. Không có trục trặc nhỏ nào, ngoại trừ một lần bị xịt lốp. Nhưng tôi cũng chỉ mất khoảng 20 phút để thay lốp dự phòng. Khi thay lốp, có rất nhiều "khán giả" xúm vào xem:

Kết quả là tôi có thêm một nhóm bạn mới người Pa Kô.

Cũng có một lần tôi bị các "chú" công an huyện Như Thanh (Thanh Hóa) tuýt còi. Sau màn chào hỏi, các "chú" trịnh trọng tuyên bố "Đồng chí chạy 92 km/giờ trên đoạn đường cho phép chạy 80 km/giờ. Phạt 800 nghìn". Sau một lúc diễn bài ca xin xỏ, các đồng chí *** bảo: "Thôi, thông cảm đồng chí đang đi công tác gấp, nhưng rút kinh nghiệm không được chay quá tốc độ nữa nhé !" Thế là tiết kiệm được 800K nhờ cái biển xanh, mà lòng còn chút tiếc nuối: "Nếu bị bắt lúc chạy 110 km/giờ thì còn tiết kiệm được 1 triệu rưỡi ấy chứ" (tinh tướng :-).

Tổng kết chuyến đi 8 ngày xuyên Việt, trung bình mỗi ngày xe chạy 415 km(kể cả những ngày dừng làm việc tại Buôn Ma Thuột). Tổng số xăng đã sử dụng hết là 235 lít xăng, trung bình 7,29 lít/100 km.