Xe Nissan V6 3.0 có tốn xăng không?

(Bấm vào ảnh để xem hình lớn hơn)
Khi đi chiếc xe Nissan Cedric Vip V6 dung tích 3.0, tôi thường nghe thấy những câu bình luận đại loại như "xe này tốn xăng lắm" hoặc "nuôi cụ này thì chết tiền xăng". Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy những người kêu xe Nissan V6 3.0 tốn xăng lại dường như chưa bao giờ thực sự sở hữu hoặc sử dụng loại xe này.

Trong khi đó các bác tài già, những người từng lái dòng xe Nissan Vip V6 3.0, lại ca ngợi xe rất bền bỉ và không tốn nhiều xăng. Bác thợ riêng của tôi cũng khẳng định loại xe này tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều so với dòng Toyota Crown 3.0.


Chiếc xe của tôi trong một chuyến đi Sơn Tây

Tôi cũng để ý đong đếm xem chiếc Nissan Cedric Vip V6 3.0 của tôi "ăn uống" ra sao. Nhưng do đặc thù công việc thường chỉ đi loanh quanh ở Hà Nội và các vùng lân cận nên mãi tôi vẫn không thể nào tính được lượng xăng tiêu thụ. Vì vậy một chuyến đi chơi xa là dịp tốt để đong đếm hòng tìm ra sự thật về hai luồng thông tin trái ngược nói trên.

Trong chuyến đi Điện Biên Phủ, tôi bắt đầu thực nghiệm nghiêm túc xem xe của mình có "phàm ăn" hay không.

Tôi chạy cho bình nhiên liệu cạn gần hết, đèn báo đổ xăng vừa sáng lên thì ghé vào cây xăng gần nhất ở ngã ba Chăm Mát (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) và yêu cầu người bán hàng "bơm đến khi nẩy cò thì dừng lại":

Bình xăng đầy ở mức "nẩy cò dừng lại" với con số 65,8 lít...


...và đồng hồ cây số báo 254.203 km (trong ảnh này là 254.204 vì phải chạy hơn một cây số thì kim báo xăng mới lên đến kịch trần)

Tôi bấm đồng hồ hành trình về số "000" để bắt đầu tính km. Tuy nhiên, sau đó tôi phát hiện ra đồng hồ hành trình dừng lại ở con số "012.9" km. Sau vài km đứng im ở số 12.9, nó mới chịu nhảy tiếp. Tình trạng tương tự lại xảy ra ở 112.9 km, 212.9 km...

Nghĩa là cứ đến con số "12.9" là đồng hồ hành trình bị kẹt và chỉ nhảy tiếp sau vài km hoặc vài chục km, hoặc nếu tôi lay nhẹ vào đầu nút bấm đồng hồ hành trình.

Đồng hồ hành trình thường bị kẹt ở số "12.9"
(Bấm vào ảnh để xem hình lớn hơn)

Thậm chí gần cuối chuyến đi, xe chạy hết gần nửa bình xăng mà đồng hồ hành trình vẫn nhất định chỉ báo 212.9 km:

Đồng hồ hành trình báo 212.9 km từ khi kim xăng báo còn một nửa bình nhiên liệu...


...đến khi còn 1/4...


...và đến khi gần cạn.
(Bấm vào ảnh để xem hình lớn hơn)

Vì vậy, tôi chuyển sang phương pháp tính dựa trên số xăng đã tiêu thụ chia cho quãng đường theo bản đồ.

Tôi sử dụng "Tập bản đồ Giao thông đường bộ Việt Nam" do NXB Bản đồ ấn hành năm 2006. Tập bản đồ khá chi tiết với độ dài các cung đường chính xác đến từng km:

(Bấm vào ảnh để xem hình lớn hơn)

Chúng tôi chạy lên đến TP Điện Biên, vòng vèo tham quan các điểm di tích thắng cảnh ở TP này và xã Mường Phăng (nơi đặt Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954), rồi quay đầu chạy về Hà Nội.

Khi xe đến chân đèo Mường Ẳng (huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên) thì kim báo xăng về kịch sàn và đèn báo cũng sáng lên. Tôi ghé vào cây xăng gần nhất ở trung tâm thị trấn Mường Ẳng và lại yêu cầu bơm đến "nẩy cò dừng lại". Con số là 63,7 lít:

Ảnh chụp bị lóa do đèn flash, nhưng con số trên cột bơm là 63.7 lít.

Với hai lần đổ xăng tổng cộng 65,8 + 63,7 = 129,5 lít, tôi chạy về đến Hà Nội vẫn còn dư một ít xăng (dự đoán khoảng 5 - 6 lít) và đèn nhiên liệu vẫn chưa báo:

(Bấm vào ảnh để xem hình lớn hơn)

Cự ly giữa các địa danh trên tuyến đường chúng tôi đã đi (tính theo bản đổ):
  • Chăm Mát (Hòa Bình) - Phố Cun: 05 km
  • Phố Cun - Mường Khến: 18 km
  • Mường Khến - Tòng Đậu: 32 km
  • Tòng Đậu - Bản Muống: 51 km
  • Bản Muống - Yên Châu: 71 km
  • Yên Châu - Sơn La: 64 km
  • Sơn La - Tuần Giáo: 78 km
  • Tuần Giáo, chạy loanh quanh: 10 km
  • Tuần Giáo - Điện Biên: 72 km
  • Điện Biên - chạy loanh quanh: 10 km
  • Điện Biên - Nà Nhạn: 16 km
  • Nà Nhạn - Mường Phăng - Nà Nhạn: 40 km
  • Nà Nhạn - Mường Ẳng: 20 km
  • Mường Ẳng - Tuần Giáo: 36 km
  • Tuần Giáo - Sơn La: 78 km
  • Sơn La - Yên Châu: 64 km
  • Yên Châu - Bản Muống: 71 km
  • Bản Muống - Tòng Đậu: 51 km
  • Tòng Đậu - Mường Khến: 32 km
  • Mường Khến - Phố Cun: 18 km
  • Phố Cun - Hòa Bình: 10 km
  • Hòa Bình- Xuân Mai: 41 km
  • Xuân Mai - Hòa Lạc: 13 km
  • Hoà Lạc - Láng - Hồ Tây: 33 km
Tổng cộng: 934 km

Nếu tính tròn số xăng đã tiêu thụ là 125 lít chia cho quãng đường 934 km, được con số là 13,38 lít cho 100 km.

Các thông tin khác:
  • Xe chở đủ tải (4 người lớn, cộng thêm hành lý để chật cốp xe và cả trong khoang):
  • Đường đèo dốc liên tục từ Hòa Bình lên đến tận Điện Biên (tổng cộng khoảng 700 km đường đèo núi):
  • Nhiều đoạn đường đang thi công (nhất là từ Tuần Giáo đến Điện Biên) nên phải đi số thấp hoặc đứng chờ thông đường;
  • Máy lạnh được mở gần như suốt hành trình;
  • Xe vẫn nổ máy chờ để vận hành máy lạnh những lúc dừng tham quan, chụp ảnh.
13,38 lít cho 100 km đối với một chiếc xe V6 3.0 đầy đủ tiện nghi, chở đủ tải, leo đèo dốc v.v...

Như vậy có bị coi là tốn xăng hay không?

Bản thân tôi thấy quá hài lòng với mức tiêu thụ đó. Nếu tính đến sự thoải mái mình được hưởng từ chiếc xe thì như thế cũng quá hợp lý rồi. Nếu so sánh với một "con" Kia Morning, chiếc Nissan này rẻ hơn khoảng 50 triệu đồng và tiêu thụ nhiều hơn khoảng 3 lít xăng/100 km, với giá xăng hiện tại là 12.500 đồng/lít, thì số tiền chênh lệch đủ để chạy được khoảng 133.000 nghìn km, mà lại "sướng" hơn nhiều :-).

Tuy vậy, bác thợ của tôi vẫn chưa hài lòng. Bác ấy nói rằng sẽ để ý tìm cho tôi một bộ chế hòa khí Nissan 3.0 thật gin (giá khoảng hơn 1 triệu đồng) để thay cho chiếc chế hiện tại, bảo đảm mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ xuống khoảng 10 - 11 lít/100 km.

Viết thêm: Với số xăng còn lại, tôi còn đi được 6 ngày nữa ở Hà Nội (trong đó có 2 chuyến đi Bát Tràng, trung bình mỗi ngày khoảng 20 km) thì đèn báo mới sáng lên, cho tròn số là 100 km nữa.

Như vậy, với 129,5 lít xăng, chiếc Nissan Cedric Vip V6 3.0 của tôi đi được khoảng 1.050 km, trung bình 12,8 lít/100 km.